Bài đăng nổi bật

Lời ngỏ - Reup liên hệ septvn@gmail.com

Xin chào, Chào mừng bạn đã bước vào thế giới nhỏ của Doll. Hy vọng bạn sẽ có những phút giây vui vẻ. Và trước khi rời khỏi, hy vọng bạn có t...

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

[CS] Chương 9 – Chuyển dịch

Chuyến đi Hải Đông của Càn Đức và Dương Hoán rơi vào tháng Năm, đến tháng Bảy, Lý Càn Đức bắt đầu đổ bệnh.


Hoán thầm nhớ lại, hôm ấy Mâu Du Đô phục lệnh quay về hoàng cung, vào gặp phụ hoàng suốt cả buổi chiều. Tối đó Hoán đến thỉnh an, thái giám báo trong người vua không khỏe nên miễn tiếp. Ngày tiếp theo, phụ hoàng không thiết triều. Và đến ngày thứ ba, tất cả thái y giỏi từ ty thái y đều được lệnh đến điện Vĩnh Quang và sau đó là lời chẩn vua bị cảm do thời tiết thay đổi. Giai đoạn đầu thái y ra vào điện Vĩnh Quang liên tục, hết chẩn mạch, kê thuốc đến dùng lời lẽ trấn an nhưng sự thật bệnh của vua càng lúc càng nghiêm trọng hơn. Có một lần Hoán hầu tại điện Vĩnh Quang, nghe được Vũ thái y bảo rằng là do vua đau thương quá độ.

Mâu Du Đô cũng bị thương rất nặng nên suốt hai tháng sau đó không xuất hiện ở cấm cung. Hoán có hỏi mẹ Thần Anh nhưng cũng không có tin tức. Đến cuối cùng, vì không chịu được lí do mập mờ khiến phụ hoàng phát bệnh, Hoán đánh liều hỏi người. Nhưng đáp lại câu hỏi của Hoán, Càn Đức vẫn chỉ nói là do tuổi đã cao, khó cãi được quy luật sinh lão bệnh tử của ông trời.

Đến tháng Mười là giai đoạn cực kỳ căng thẳng tại cấm cung. Hoán không được phép vào vấn an phụ hoàng nữa. Thời điểm ấy, tất cả sự kiện diễn ra trong điện Vĩnh Quang đều là bí mật. Những đại thần trong triều như Thái sư Trần Độ, Thái úy Lưu Khánh Đàm, Nội vũ vệ Lê Bá Ngọc, Tham tri Từ Văn Thông và cả Trung thừa Mâu Du Đô đều được lần lượt gọi vào hầu vua. Nhìn những gì diễn ra xung quanh, Hoán hiểu rằng đã sắp đến lúc rời xa phụ hoàng thật rồi. Thần Anh có nói với Hoán, nghe từ ty thái y, sức khỏe của vua giảm sút đáng kể, e là không qua hết mùa đông năm nay. Có lẽ vua và các đại thần trong điện Vĩnh Quang đang thảo di chiếu.

Những ngày tháng ấy Hoán cũng không buồn ăn uống. Mỗi bữa dâng thức ăn lên, Hoán chỉ uống chút canh. Thái giám Trường Sinh thấy vậy, không khỏi đau lòng khuyên.

“Bẩm thái tử, nếu người cứ ăn ít thế này sẽ đổ bệnh mất.”

Hoán ngao ngán nhìn cá thịt trên bàn, lắc đầu.

“Phụ hoàng hiện nay ra sao ta còn không biết thì lấy tâm trạng nào để ăn uống được.”

Có tiếng chiêm chiếp vang lên trong phòng, Hoán quay mặt nhìn về chiếc lồng có một con chim sẻ trắng. Con sẻ này được nhà sư Cao Đình dâng tặng phụ hoàng vào tháng năm, khi thấy Hoán thích thú nên phụ hoàng tặng lại cho cậu. Chim vốn dĩ khỏe mạnh, nhưng từ lúc phụ hoàng đổ bệnh, chim sẻ cũng ủ rũ không khác nào Dương Hoán.

“Đã cho chim sẻ ăn chưa?” Hoán hỏi.

Trường Sinh cúi người, lễ phép thưa.

“Bẩm thái tử, một ngày năm bữa vẫn cho ăn đều. Nhưng có vẻ vật hiểu ý người, dạo gần đây chim sẻ cũng ăn rất ít.”

Hoán bốc một nắm thóc, đi về phía lồng rồi mở cửa đưa tới trước mặt chim sẻ. Nó thấy người cho ăn không phải Trường Sinh, hơi nghiêng đầu qua một bên nhìn rồi lập tức kêu lên mấy tiếng, mổ vào tay Hoán khiến cậu đau mà rụt tay về, thóc đổ vương vãi ra sàn.

Trường Sinh lo lắng định xem tay Hoán nhưng cậu từ chối. Chỉ là một con chim nhỏ, mổ một cái thì có đau đớn gì đâu, làm sao có thể so được với tình trạng của phụ hoàng. Hoán nhìn chim, thở dài.

“Mày cũng như tao, thích quen không thích lạ phải không? Giờ đây, tao chỉ mong phụ hoàng có thể khỏe mạnh bình an như trước thôi!”

Trường Sinh không dám nhìn vào thái tử đành quay mặt sang một bên. Từ trong đáy mắt vị thái giám chưa tới đôi mươi, long lanh giọt lệ.

*

*  *

Từ lúc Lý Càn Đức đổ bệnh, Lưu Khánh Đàm được phân phó xử lí chính sự tại điện Hội Tiên. Sau mỗi buổi thiết triều, ông sẽ đến điện Vĩnh Quang, cẩn thận bẩm báo lại cho vua nghe. Hôm nay cũng không ngoại lệ, sau khi kết thúc, vừa định bụng quay về thì vua khẽ nói.

“Thái úy, dạo gần đây trẫm thấy thân thể không còn được như trước.”

“Bẩm bệ hạ, người là thiên tử, thọ trăm tuổi vẫn còn chưa đủ. Chẳng qua dạo này thời tiết thất thường nên dễ cảm vặt, chỉ cần nghỉ ngơi ít hôm sẽ không sao.”

“Cơ thể của trẫm trẫm là người rõ nhất. Biết bao đời nay, bá quan văn võ luôn tung hô hoàng thượng vạn tuế nhưng đã có ai sống được đến một trăm. Huống hồ trẫm cũng chỉ xác thịt bình thường, chẳng qua được trăm dân tin tưởng nên gánh trên vai trọng trách xã tắc. Nhưng mấy ai thoát được quy luật sinh tử, trẫm không vì điều đó mà lấy làm buồn phiền.”

Lưu Khánh Đàm im lặng lắng nghe vua nói, dù ngoài miệng ông trấn an vua, nhưng bên trong cũng lo ngại sắp có điều chẳng lành.

“Năm xưa Việt quốc công Lý Thường Kiệt hết lòng phò tá tiên đế. Đến lúc tiên đế băng hà người lại hết lòng cùng mẫu hậu phò trợ trẫm. Khanh là người của quốc công, trẫm biết khanh cũng một lòng. Mẫu hậu sau này tin dùng hai người là khanh và Lễ bộ thị lang Lê Bá Ngọc. Mặc dù biết các khanh đều dốc sức vì triều đình, nhưng xét lại, trẫm có phần tin tưởng khanh hơn.”

“Bẩm bệ hạ, hạ thần trước nay trung thành, chưa bao giờ có ý nghĩ hai lòng hay ý đồ bất chính.”

“Trẫm biết điều đó nên lần này, trẫm gọi khanh là có việc cần phân phó.”

“Chỉ cần là mệnh lệnh của bệ hạ, hạ thần có chết cũng không quản ngại.”

“Nếu trẫm có mệnh hệ gì, thái tử sẽ lên ngôi. Mặc dù năm nay đã mười hai nhưng trẫm thấy thái tử vẫn còn khá non nớt. Đến lúc ấy, nếu không có đại thần chống đỡ, e là sẽ có đại biến. Năm xưa khi còn nuôi nấng hoàng tử Dương Côn, trẫm rất kỳ vọng vào đứa trẻ này, tiếc là số trẻ yểu mệnh. Sùng Hiền hầu là em ruột của trẫm, con ruột của thái hậu nên trẫm tin Lê Bá Ngọc sẽ hỗ trợ thái tử. Nhưng thế cuộc nhìn gần thế này nhìn xa chưa biết ra sao. Hiện tại, vận mệnh của thái tử, trẫm trông cậy vào khanh và Mâu Du Đô. Biết là sẽ khó cho hai khanh, nhưng hãy cố gắng giúp đỡ thái tử.”

Lưu Khánh Đàm ghi nhớ mọi điều Lý Càn Đức nói, không bỏ sót thứ gì. Khi Khánh Đàm rời khỏi điện Vĩnh Quang thì mặt trời đã lên cao, bóng đổ dưới chân ông. Trọng trách vô hình đè nặng lên vai, Lưu Khánh Đàm không ngại, chỉ là không biết bản thân ông có thể gánh vác được tới khi nào.

Tháng Chạp, sao xấu Thiên Cẩu sa xuống, âm thanh phát ra to như sấm. Trời chiều đỏ tựa máu, nhuộm cả Hoàng thành.

Lý Càn Đức tự biết dương thọ của bản thân sắp cạn, cho gọi Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái sư Trần Độ, Lễ bộ thị lang Lê Bá Ngọc, Trung thừa Mâu Du Đô vào nhận chiếu thư.

"Trẫm nghe phàm các loài sinh vật không loài nào không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho là phải. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào! Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã năm mươi sáu năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì? Trẫm từ khi đi xem gặt lúa đến giờ, bỗng bị ốm, bệnh kéo dài, sợ không kịp nói đến việc nối ngôi. Mà thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ (mười hai tuổi), có nhiều đức độ, thông minh thành thật, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu mệnh trời mà nối mình truyền nghiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp đỡ mới được. Này Bá Ngọc, ngươi thật có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ ba ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng; từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thật lòng kính nghe lời trẫm, bảo rõ cho các vương công, tuyên bố ra ngoài".

Ngày Đinh Mão (15/01/1128), Lý Càn Đức băng ở điện Vĩnh Quang.

Bảy ngày quốc tang trời mưa không ngớt. Hoán quỳ trước linh cữu phụ hoàng, khóc đến mức hai mắt đỏ ngầu, sưng húp.

Bốn cửa cấm thành đóng kín không cho người ngoài xâm nhập. Binh lính được tăng cường thêm gấp ba lần để canh gác điện Thiên An. Trước linh cữu của tiên hoàng, Lý Dương Hoán lên ngôi vua, bắt đầu triều thứ năm nhà Lý, đổi niên hiệu thành Thiên Thuận. Tại sân Rồng, Hoán bước ra tuyên bố trước mặt quần thần.

"Không may tiên đế lìa bỏ bầy tôi, ngôi trời không thể bỏ không lâu ngày. Ta còn ít tuổi, cố gượng nối ngôi, các khanh nên bền mãi một lòng, giúp đỡ nhà vua, không những để không phụ lòng tiên đế chú ý trông mong mà còn để con cháu các khanh đời đời hưởng lộc vị".

Sau đó Thần Anh được tôn làm thái hậu. Vào một buổi sáng Hoán đến thỉnh an, bà nhìn sắc diện không tốt của vua, cầm tay cậu dặn dò.

“Mẹ biết việc tiên đế ra đi khiến con rất đau lòng, nhưng người mất thì đã mất, người còn sống phải cố gắng sống tiếp. Con giờ đã là vua, trên vai con còn trọng trách với giang sơn xã tắc mà tổ tiên đã đổ bao xương máu để giữ lấy. Việc con cần làm lúc này là trở thành một vị vua tốt, để xứng đáng với kì vọng mà tiên đế đã trao cho con.”

Hoán không phản bác lời dặn của thái hậu. Người nói đúng, dù sao tiên đế cũng đã đặt giang sơn vào tay cậu, việc của cậu là bảo vệ giang sơn này, tiếp tục công việc còn dang dở của ngài.

Khi ở vị trí của một vị vua, mọi thứ của Hoán đều bắt đầu thay đổi. Đầu tiên, cậu không còn đến Quốc Tử giám học chữ nữa. Về kiến thức có thái sư, thái phó, tham tri chính sự và gián nghị đại phu góp ý. Hoán cũng phải rèn luyện cơ thể, phải học võ, cưỡi ngựa, bắn cung… những thứ này vốn trước đây Hoán luôn né tránh, giờ cậu bắt buộc phải thêm vào lịch trình của mình. Người đảm trách việc này là Lý Công Bình và Mâu Du Đô.

Có vua ắt có hậu. Hoán đã yên ổn lên ngôi thì cũng đến lúc thiết lập hậu cung. Đến cả việc này tiên đế cũng đã chuẩn bị tất cả cho Hoán.

Tiêu chí lập hậu cung từ đời cha ông đã chỉ rõ, một là chọn con gái của công thần – những người cùng vua vào sinh ra tử, định để giang sơn; hai là con gái đại thần có thế lực hùng mạnh trong triều. Triều Lý từ đời tiên đế vốn đã đi vào ổn định, không có thêm công thần. Đến đời này của Dương Hoán, âu chỉ là lựa chọn con gái của đại thần.

Giữa điện Thiên An, quan tham tri là Từ Văn Thông cẩn trọng cầm chiếu chỉ, dõng dạc đọc.

“Truyền chỉ:

Con gái Phụ thiên Đại vương Lê Xương – cháu đời thứ hai của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung – em trai Thánh Tông hoàng đế: Lê Diệu An nhan sắc diễm lệ, hiểu biết lễ nghĩa – phong làm Minh Bảo phu nhân.

Con gái Trung thư Lý Nguyên – cháu đời thứ hai của Thái phó Lý Huyền Sư – công thần triều Thái Tông: Lý Chương Anh hiền lương thục đức, tính tình đoan chính – phong làm Thứ phi.

Con gái Tướng quân Lý Sơn – cháu đời thứ hai của Đô thống đại nguyên soái Lý Nhân Nghĩa: Lý Tâm Giao thông minh khả ái – phong làm Lệ Thiên hoàng hậu.”

Dưới triều tiếng bàn tán xì xào, có vài vị quan còn nghi ngại chiếu chỉ không phải do tiên đế lập ra nên muốn đích thân kiểm tra. Nhưng tất cả đều không thể nghi ngờ vì có sự bảo chứng của thái sư Trần Độ, cũng như quan Tham tri Từ Văn Thông. Cả hai trước nay cũng chẳng có quan hệ thân mật gì, và việc danh sách hậu cung được sắc phong cũng chẳng có chút can hệ gì với cả hai người. Thần Anh không hay biết gì về chiếu chỉ này của tiên đế. Bà trước nay vẫn đinh ninh được hậu cung của Hoán sau này chắc chắn phải có cháu gọi bà là cô ruột – Lý Chương Anh. Nhưng về ngôi vị hoàng hậu kia, có nghĩ thế nào bà cũng không nghĩ ra được tiên đế lại sắp đặt cho chi nhà Lý Dương vốn từ lâu không còn ở kinh thành.

Người cay cú nhất chắc có lẽ là Lê Bá Ngọc. Thật sự không ngờ tiên đế lại cho một cú bất ngờ cuối cùng, tính toán cho họ Dương trở lại triều đình. Suốt bao nhiêu năm qua ông vì Linh Nhân thái hậu mà không tiếc thân mình, xử lí hết gốc rễ họ Dương để rồi con trai của bà lại nặng lòng quyến luyến. Năm xưa là hoàng hậu Lan Anh, rồi lại đến hoàng tử Dương Côn. Giờ đây họ Dương không còn gốc, tiên đế lại tính xa đến dòng họ Lý Dương. Ngay cả việc bệ hạ hiện tại mang tên Lý Dương Hoán ông cũng biết Linh Nhân thái hậu vốn dĩ không hài lòng. Nhưng đó chỉ đơn giản là tên, còn đây là đem người Lý Dương về lại triều, nếu sau này Lý Tâm Giao sinh ra thái tử, khác nào máu họ Dương lại thêm một lần chảy trong hoàng tộc Lý triều?!

Lý Chương Anh thì Hoán không còn lạ lẫm. Hoán hay gặp Chương Anh vào cung thỉnh an Thần Anh và cũng có đôi lần chuyện trò. Chương Anh rất xinh xắn, gương mặt của nàng giống Thần Anh đến tám phần, nét hiền dịu và yên tĩnh như mặt nước hồ thu. Chương Anh hay mặc xiêm y màu trắng, tóc búi cao như cánh quạt và cài trâm bạc khắc hoa cúc. Ở nàng toát lên sự nho nhã và một chút yếu đuối nên mặc dù Hoán nhỏ hơn một tuổi, nhưng đứng trước Chương Anh, cậu vẫn có được cảm giác có thể che chở cho nàng.

Lúc trên xe ngựa từ Hải Đông về Thăng Long, Hoán đã biết tiên đế sẽ tính toán vì cậu mà kéo hết thế lực hỗ trợ về lại triều đình. Hoán chỉ không ngờ tiên đế lại chọn cách bắt Lý Sơn phải thả tay, để con gái mình nhập cung, ban cho tước vị mẫu nghi thiên hạ. Hoán đã rất khó nhọc để chấp nhận được việc chỉ sau một đêm, thằng nhóc mười hai tuổi như cậu lại bước lên ngôi đế vương quyền lực. Cậu nhớ đến vẻ mặt trong trẻo của Tâm Giao, liệu khi nghe tin này từ hoàng cung truyền đến, nàng sẽ ra sao khi hay tin bản thân mình trở thành phượng hoàng.

Còn lại là Lê Diệu An, trước nay Hoán chưa từng nghe nhắc đến cho đến khi cái tên ấy được Từ Văn Thông xướng lên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét