Bài đăng nổi bật

Lời ngỏ - Reup liên hệ septvn@gmail.com

Xin chào, Chào mừng bạn đã bước vào thế giới nhỏ của Doll. Hy vọng bạn sẽ có những phút giây vui vẻ. Và trước khi rời khỏi, hy vọng bạn có t...

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

[NVK] Chương 6 – Đào nương Vũ Tuyết


Một ngày cuối mùa hè dịch bệnh lây lan, trưởng thôn Thảo Lương dâng tấu sớ lên tri phủ nhưng bên trên vẫn không cử người đến giúp đỡ. Số thảo dược trong thôn lần lượt được đem ra sử dụng nhưng kết quả vẫn không khả quan. Lần lượt từng người không chống cự được mệnh trời, cứ thế ra đi. Lúc này bọn họ vẫn còn nghĩ rằng tri phủ chưa nhận được tin tức, nóng lòng cùng nhau đến tìm ngài mong giúp đỡ. Nào ngờ đi đến cổng thôn, phát hiện nơi đây đầy ấp quan binh, nhất cử nhất động của mọi người đều bị đưa vào tầm ngắm. Quan không chi viện, lại không cho bất cứ ai trong thôn rời khỏi, mọi người chỉ còn một con đường chết cùng nhau.

Trưởng thôn không cam lòng, bèn họp mặt mọi người đề xuất ý kiến chọn một người khỏe mạnh nhất đem thư trình lên hoàng thượng, mong ngài soi xét. Cuối cùng, người được chọn là một nông phu trung niên tên Hà Vũ Trình. Mọi người gom góp tiền bạc, bày kế nổi loạn đánh lừa quan binh để Hà Vũ Trình có thể nhân lúc hỗn loạn rời khỏi thôn. Ông ta đi một đoạn, chợt có cảm giác có bóng người đi theo nên bất an quay lại: “Ai đó?”

Không có tiếng trả lời, chỉ có âm thanh xào xạc trong mấy bụi cỏ khô.

Hà Vũ Trình rút thanh đoản đao mang theo bên mình, cẩn trọng tiến về hướng ấy: “Nếu không ra đây đừng trách ta ra tay.”

Từ trong bụi cỏ xuất hiện một cô bé ước chừng mười tuổi gầy gò ốm yếu, ngay cả bộ quần áo mặc trên người cũng không còn chỗ để vá thêm được nữa. Cô bé vội vã chạy ra, miệng mếu máo kêu lên: “Cha!”

Hà Vũ Trình nhanh chóng cất thanh đoản đao, chạy đến bên con: “Nguyệt Vũ sao con lại đi theo cha?”

“Cha đi xa nhưng chỉ có một mình, con không yên tâm. Cha cho con theo với.”

“Nhưng Nguyệt Vũ à đường lên kinh xa xôi gian khổ, tiền bạc đem theo cũng không được bao nhiêu. Con đi theo thì biết tính sao đây?”

Hà Nguyệt Vũ lắc đầu, giọng đầy cương nghị: “Con có đem theo vài cái bánh, con sẽ ăn nhín nhúc, không động đến phần tiền ấy đâu. Cha cho con theo với, cực khổ thế nào con cũng không sợ.”

Hà Vũ Trình nhìn con đầy khó xử. Đường đi còn xa, muôn phần khó khăn. Ông vốn không sợ cực khổ, nhưng sao có thể nhẫn tâm nhìn con gái chịu đựng cùng mình. Nhưng nếu bây giờ không cho con theo, một mình Nguyệt Vũ quay về đó cũng chưa chắc an toàn. Thế là ông đành bấm bụng dắt theo con gái, hai cha con mua một con ngựa, tức tốc đến kinh thành.

Cuối cùng cả hai cũng đến được cánh cổng hoàng cung, nhưng có nói thế nào lính canh cũng không cho cả hai vào gặp hoàng thượng. Hai cha con quỳ tại nơi đó, chẳng mấy chốc gây sự chú ý của người đi đường. Một gã đàn ông mập mạp trông thấy, tiến lại hỏi: “Anh kia, có việc gì mà quỳ nơi đây?”

“Thôn tôi gặp dịch bệnh, tri phủ bỏ mặc không quan tâm. Nay tôi mong gặp hoàng thượng để trình lên cho người biết con dân người đang chịu khổ như thế nào.”

Gã mập kia nghe đến từ “Dịch bệnh” liền lùi ra xa một ít, chép miệng: “Khổ quá, nhưng anh là dân thường, đâu phải muốn gặp là gặp. May cho anh tôi có một người bạn là công công, hằng ngày lo việc y phục cho hoàng thượng. Hay anh đưa thư cho tôi, tôi tìm cách gửi vào cung dùm cho.”

Hà Vũ Trình nghe nói vui mừng khôn xiết, nước mắt ngắn dài đưa lá thư cho gã mập kia, miệng liên tục cảm ơn: “Cảm ơn anh, nếu không có anh tôi cũng không biết phải làm sao. Mạng sống của người dân thôn tôi trông cậy vào anh cả.”

“Chuyện này…” Gã béo xoa xoa tay với nhau: “Tôi thì không có ý gì, nhưng để đưa được thư vào cung không phải chuyện dễ dàng, ít nhất phải qua mấy cửa. Mình đi vào tay không, chưa chắc người ta cho qua.”

Hà Vũ Trình hiểu ý, móc từ trong túi ra được một mẩu bạc vụn cùng mấy đồng xu. Gã béo liếc thấy số tiền ít ỏi tỏ vẻ khinh thường. Hà Nguyệt Vũ đứng kế bên trông thấy tất cả nên nắm lấy tay cha giật giật: “Cha à, đừng đưa tiền.”

Hà Vũ Trình đưa mẩu bạc cho gã béo, sau đó nghĩ điều gì liền đưa thêm hai đồng: “Tôi ở tạm ngôi miếu hoang cuối đường này, khi nào anh xong thì đến đó tìm tôi. Nếu thôn của tôi được cứu, mọi người nhất định không quên ơn nghĩa này.”

Gã béo nhận tiền, nhanh chóng rời đi. Hà Nguyệt Vũ cứ đứng trông theo, bụng dạ không thể nào tin tưởng được. Hà Vũ Trình ho lên mấy tiếng rồi nói với con gái: “Chúng ta đến miếu ở đỡ con nhé!”

Nguyệt Vũ ngoan ngoãn đi theo cha, đến miếu hoang tá túc. Liên tiếp ba ngày trôi qua gà béo kia vẫn bặt vô âm tín, gương mặt Hà Vũ Trình mỗi lúc một xanh xao. Nguyệt Vũ biết cha đã bị bệnh nhưng ngày nào cũng gắng đi đến trước hoàng cung để tìm lại gã béo hôm trước. Đến hôm thứ tư ông không dậy nổi nữa, Nguyệt Vũ nhân lúc chạy ra ngoài, lượm một cái bát mẻ, ngồi tại góc phố xin ăn.

Người qua kẻ lại đông nườm nượp, vậy mà chẳng ai để tâm đến một cô bé đáng thương.

Hà Nguyệt Vũ nhìn người dân Thăng Long y phục chỉnh tề, xinh đẹp có thừa nhưng lại quá đỗi vô tâm. Mãi đến tận chiều mới có một ông lão bán khoai lang chú ý, cho vào bát cô bé hai củ khoai. Nguyệt Vũ rối rít cảm ơn rồi một mạch chạy về miếu hoang cho cha ăn lót dạ.

Ngày tiếp theo trên người Hà Vũ Trình xuất hiện đốm đỏ. Cô bé sợ hãi chạy đến y quán tìm thầy lang. Cả mấy y quán trông thấy bộ dạng cô bé nhếch nhác, đều từ chối đi theo.

Hôm đó xin được mấy xu lẻ, Nguyệt Vũ liền chạy đi mua một ít thuốc cho cha. Hà Vũ Trình vừa uống xong, lập tức nôn ra hết.

“Nguyệt à…” Hà Vũ Trình thều thào lên tiếng: “Cha chết đi coi như là thoát khỏi bể khổ. Nhưng còn con, một mình nơi đây biết phải làm sao?”

Nguyệt Vũ ôm lấy cha nức nở: “Cha ơi đừng bỏ con.”

Hà Vũ Trình lấy trong người ra một miếng ngọc, cũng chẳng quý hiếm đưa cho con: “Cha có mệnh hệ gì con đem nó đi bán, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Thôn chúng ta đang có bệnh, con khoan hãy quay về. Tìm một nhà nào đó xin vào ở đợ, một thời gian sau hãy tìm cách về lại thôn, có biết không.”

Nói đến đây Hà Vũ Trình cũng trút hơi thở sau cùng. Hà Nguyệt Vũ ôm lấy cha khóc nửa nở. Cả đêm hôm đó cô bé nằm bên cạnh cha, ôm lấy cha để cha không bị lạnh. Đến sáng hôm sau khi thấy cơ thể cha chỉ là một màu tím tái, Nguyệt Vũ đành phải lôi cha ra ngoài đường, đặt cái mẻ xin tiền chôn cất cha.

Hà Nguyệt Vũ vừa quỳ, vừa cố gắng phe phẩy cọng rơm cho ruồi nhặng không bu vào xác chết, đến gần tối trời mới có hai người để tâm đến cô.

Một người là phụ nữ tuổi ngoài ba mươi, quần áo phấn son diêm dúa, tay cầm chiếc quạt in hình mẫu đơn đưa lên che mũi, thì thầm gì với gã thanh niên đi bên cạnh. Hắn ta tiến lại gần Nguyệt Vũ một chút, vênh mặt hỏi: “Nhóc con, mày cần tiền để chôn cái xác này à?”

Nguyệt Vũ im lặng gật đầu. Hắn ta nói tiếp: “Chỗ chúng tao tiền không thiếu, nhưng cũng không dư để đi làm từ thiện. Bà chủ đây đang thiếu người, nếu mày chịu về đó phụ việc thì hậu sự của người này mày không cần phải lo nữa.”

Hà Nguyệt Vũ nhìn hai người một lượt, thấy cả hai cũng chẳng phải dạng người tử tế nhưng không còn cách khác liền bấm bụng gật đầu.

Cả hai nói là làm, lập tức đi mua một chiếc quan tài cùng vài vật để cúng bái, cùng Nguyệt Vũ đi đến mảnh đất hoang ngoại thành, chôn cất cha cô. Sau đó bọn họ đưa cô bé đi tắm rửa, thay một bộ đồ khác tươm tất hơn.

Gã thanh niên khoanh tay nhìn cô bé, hài lòng nói với người phụ nữ: “Má Tú à, bà đúng là có con mắt tinh tường. Sau khi tắm rửa sạch sẽ nhìn nó cũng không đế nỗi nào.”

Người phụ nữ - má Tú bật cười phe phẩy quạt khiến hai bầu ngực rung rung: “Mày nghĩ hai mươi năm trong nghề của tao là hư danh à?”

Hà Nguyệt Vũ được đưa tới một nơi vô cùng tráng lệ, đèn đỏ giăng đầy, giấy đỏ in hoa. Mấy cô gái trong kia mặt dày son phấn đon đả chuyện trò với đàn ông. Nguyệt Vũ tò mò đứng lại quan sát. Má Tú đi phía trước, khẽ hắng giọng: “Đừng nhìn nữa, sau này sẽ quen thôi.”

Nguyệt Vũ được đưa vào một gian phòng nhỏ hẹp. Bên trong bày biện hết sức tối giản, chỉ có một chiếc giường, một tủ quần áo và một chiếc bàn trang sức cũ sờn. Đơn giản là thế, nhưng đối với Nguyệt Vũ bây giờ cũng không kém phần lạ lẫm.

“Mày tạm ở trong này đi, ít hôm nữa sẽ có người đến dạy học.”

Nghe đến dạy học Nguyệt Vũ hồ hởi hỏi: “Học chữ sao?”

Má Tú chau mày: “Học chữ để làm gì?”

Nguyệt Vũ đưa đôi mắt xoe tròn nhìn má Tú: “Vậy học gì ạ?”

Má Tú không trả lời mà nhanh chóng rời đi, bỏ lại Nguyệt Vũ trong căn phòng nhỏ hẹp đó. Lần đầu tiên trong cuộc đời nàng có phòng riêng. Sau mấy ngày ăn uống khắc khổ cuối cùng cũng được những bữa cơm ngon với rau xào, thịt vụn. Nguyệt Vũ cũng hiểu khi má Tú bỏ tiền ra chôn cất cha và đem nàng về đây, không phải để chu cấp cho nàng một cuộc sống an nhàn như thế. Đúng như nàng dự đoán, sáng hôm sau có một chị gái xinh đẹp cùng má Tú đi đến phòng nàng.

“Má à, lần này má cố tình làm khó con rồi. Đem đâu về một cục than đen thui ốm nhom thế này rồi kêu con đào tạo thay thế vị trí của con. Má nghĩ Hạ Hoa con chỉ đáng cỡ này thôi sao?”

Má Tú đối với chị gái kia thái độ cũng khác hẳn so với Nguyệt Vũ: “Con ngoan, má tin tưởng con dư sức để biến vịt bầu thành thiên nga. Khả năng của con đâu phải chỉ mình má biết, cả cái thành Thăng Long này đều công nhận cơ mà.”

Hạ Hoa được khen, miệng nở nụ cười nhưng rồi nhanh chóng đanh giọng lại: “Củi mục khó xây nhà, cùng lắm con cố gắng hết sức, thành hay bại phải xem ý trời…” Hạ Hoa nâng cằm Nguyệt Vũ lên, nói tiếp: “Và cả ý người…”

Hạ Hoa lúc này là hoa khôi tại Đào Hoa viện, là gà đẻ trứng vàng của má Tú. Nghe đây mấy năm trước cô ấy sơ suất có con, vì sợ hãi mà không dám phá bỏ. Bây giờ đứa trẻ đã lên năm, không thể có một người mẹ quanh quẩn hồng trần nên Hạ Hoa đành vì con, gom tiền chuộc thân, định bụng đi đến một nơi xa cùng con trai làm lại từ đầu. Má Tú trước nay kiếm lời từ cô không ít nên lần này không nhận tiền, chỉ bảo rằng Hạ Hoa phải huấn luyện cho ra được một kỷ nữ đủ sức kế thừa cô. Hà Nguyệt Vũ chẳng phải người đầu tiên, cũng không là duy nhất. Đến khi được đưa vào phòng nhạc cụ, mới phát hiện nơi đây không thiếu những bé gái giống như mình. Hạ Hoa tuyệt đối không phải là một người thầy hiền thảo, bất cứ khi nào có đứa trẻ làm sai, nhất định hôm đó chịu đòn thay cơm. Trong vòng tám tháng học nghệ từ Hạ Hoa, số lần Nguyệt Vũ bị đánh, ngón tay ngón chân cũng không thể đếm hết.

Sau tám tháng đó, những đứa trẻ không đạt tiêu chuẩn liền bị má Tú ép ra tiếp khách. Hà Nguyệt Vũ lúc này cũng không còn ngây thơ không biết kỹ viện là nơi như thế nào. Tốt nghiệp khóa đào tạo của Hạ Hoa, Nguyệt Vũ tròn mười hai tuổi.

Hạ Hoa nói với má Tú Nguyệt Vũ có tư chất về múa, liền sau đó Nguyệt Vũ được hai Đào nương khác chỉ dạy chuyên sâu. Trời sinh Nguyệt Vũ xương cốt dẻo dai, mỗi một động tác uốn lượn uyển chuyển đều dễ dàng mê hoặc lòng người. Má Tú khi ấy cực kỳ ưng bụng, không tiếc tiền mua thuốc bổ, son phấn, bồi dưỡng cho Nguyệt Tú càng ngày càng mỹ miều.

Đến năm mười bốn tuổi, thời khắc tủi nhục của Nguyệt Tú mới thực sự bắt đầu. Má Tú khi này chỉ nàng các kỹ năng cần thiết của kỹ nữ. Đàn hát ca múa Nguyệt Tú học rất nhanh, nhưng môn giường chiếu cô không thể nào tiếp thu nổi. Có mấy lần má Tú nổi giận, cho hai người đàn ông lực lưỡng vào phòng, đe dọa cô: “Mày muốn học từ tao hay để tụi nó trực tiếp chỉ dạy mày?”

Nguyệt Tú hết lời van xin, cuối cùng thoát được nạn tai. Nhưng tất cả những gì má Tú truyền đạt, tuyệt nhiên không thể sai quấy được nữa.

Mười lăm tuổi, trong một ngày mùa đông, bên ngoài tuyết rơi trắng xóa, bên trong nến đỏ diễm tình, Nguyệt Vũ mặc một bộ xiêm y trắng tinh, thướt tha uyển chuyển múa những vũ điệu đầu tiên trước mặt khách khứa tại Đào Hoa viện. Tuyết bên ngoài tinh khiết bao nhiêu, Nguyệt Vũ trong này thanh thoát bấy nhiêu.

Sau điệu múa ấy là những tràng vỗ tay tưởng như kéo dài vô tận. Nguyệt Vũ gỡ mạn lông công che mặt ra, nhan sắc được bồi đắp bấy lâu nay rung động lòng người.

“Má Tú, Đào nương đó tên gọi là gì?” Vài vị khách đánh tiếng hỏi.

Má Tú miệng cười như hoa, đáp lời: “Đào nương này tên là Ng…”

Nguyệt Vũ lập tức xen vào, giọng nói thánh thoát: “Cảm tạ đại gia quan tâm, cứ gọi Đào nương là Vũ Tuyết!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét